Thời gian qua, nhiều chủ phương tiện băn khoăn về việc mua ô tô cũ trả góp, khi đến thời hạn kiểm định định kỳ phương tiện, đưa xe đi đăng kiểm, chủ xe chưa biết được cần đem theo và xuất trình những loại giấy tờ nào?
Về thông tin nêu trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hồ sơ đăng kiểm định kỳ xe ô tô cần các giấy tờ như: giấy đăng ký xe (bản chính hoặc giấy biên nhận thế chấp bản chính tại tổ chức tín dụng; hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe) và giấy chứng nhận đăng kiểm cũ.
Theo quy định hiện nay, đối với ô tô mua trả góp (hay còn gọi là thế chấp ngân hàng), thay vì đăng ký xe bản chính, chủ xe cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính của tổ chức tín dụng có dấu đỏ và còn hiệu lực, kèm theo bản sao giấy đăng ký xe (các thông tin trên bản sao phải nhìn rõ, không bị che mờ).
Cùng với đó, chủ phương tiện cần phải thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trên giấy biên nhận phải có tên gọi (giấy biên nhận thế chấp); số giấy biên nhận; tên, địa chỉ của tổ chức tín dụng thế chấp; tên của bên thế chấp, số căn cước công dân của bên thế chấp là cá nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư, số quyết định thành lập (đối với pháp nhân); số giấy chứng nhận đăng ký xe; loại xe; số khung, số máy; biển kiểm soát xe.
Thời hạn hiệu lực của giấy biên nhận thế chấp và lần, số cấp lại giấy biên nhận thế chấp (nếu cấp lại) cũng được thể hiện rõ trên giấy này.
“Giấy biên nhận thế chấp phải có đủ chữ kí, ghi rõ họ tên của cán bộ có thẩm quyền và đóng dấu của tổ chức tín dụng nhận thế chấp”, Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu rõ.
Thời hạn hiệu lực của giấy biên nhận thế chấp sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá thời hạn có hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra khuyến cáo với các chủ xe trước khi đi đăng kiểm cần phải kiểm tra kỹ hồ sơ đã đầy đủ các giấy tờ để tránh việc bị từ chối kiểm định và phải quay xe về xin cấp lại.
Việc cấp lại giấy này thường khiến các chủ xe không kịp quay lại đơn vị đăng kiểm để kiểm định trong ngày, gây tốn kém thời gian, chi phí (do phải mất thêm phí đăng kiểm nếu kiểm định lần 2 từ ngày hôm sau).
Nếu việc kiểm định lại được tiến hành sau 1 ngày và trong thời hạn 7 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu, mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% giá quy định tại bảng trên. Nếu việc kiểm định lại được tiến hành sau 7 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu thì giá kiểm định được tính như kiểm định lần đầu.
Do đó, trước khi đưa xe đi đăng kiểm, chủ xe cần phải kiểm tra kỹ giấy biên nhận thế chấp của ngân hàng (tổ chức tín dụng) còn thời hạn hiệu lực hay không. Nếu hết hiệu lực cần liên lạc với nhân viên phụ trách hoặc đến ngân hàng (tổ chức tín dụng) để xin cấp lại, sau đó mới đưa xe đi đăng kiểm.
Nguồn:Sưu tầm internet
Leave a Reply