Bà Nga lúc trẻ trong “Thương ngày nắng về” do diễn viên Lương Ngọc Dung thể hiện đã khiến khán giả rất yêu mến. Trong phim nhân vật Nga – người phụ nữ đôn hậu, tốt bụng và tử tế. Bà Nga không ngại giúp Yến (Kim Oanh) dù cô là người xa lạ và sau này còn nhận nuôi Hoa (Diệp Anh). Lối diễn chân thực, tinh tế và tạo hình phù hợp của Lương Ngọc Dung nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.
Nói về vai diễn này, Lương Ngọc Dung chia sẻ: “Khi nhận kịch bản, tôi không biết về những phần sau, cũng không biết cô Thanh Quý diễn thế nào, không biết làm sao để hai phần có thể ăn khớp với nhau nên tôi khá lo lắng, tôi chia sẻ lo lắng ấy thì đã được đạo diễn, D.O.P (người chịu trách nhiệm về tất cả hình ảnh) động viên rất nhiều. Cuối cùng, tôi đã tạo ra Nga của tôi sau nhiều đêm trăn trở, làm sao cho thật nhất, đời nhất, gần gũi tự nhiên nhất mà tôi có thể. Nga chỉ là một người phụ nữ với gánh bún riêu như bao người phụ nữ ta bắt gặp ngoài đời“.
Điều thú vị là song song với phim “Thương ngày nắng về”, Lương Ngọc Dung thủ vai mẹ Đại úy Tùng thời trẻ trong “Mặt nạ gương”. Trong quá khứ, nhân vật này từng ngoại tình với ông Nghị – bố của nữ chính. Còn trở lại trước đó một chút, trong bộ phim “Hướng dương ngược nắng”, Lương Ngọc Dung lại thủ vai mẹ của Kiên (sau này do Hồng Đăng đóng) thời trẻ. Số phận của nhân vật mẹ Kiên cũng gặp nhiều trắc trở. Phát hiện bị chồng phản bội, mẹ Kiên gần như hóa điên, sau đó phải vào viện tâm thần.
Không chỉ xuất hiện liên tiếp ở Thương ngày nắng về, Mặt nạ gương, Hướng dương ngược nắng… Lương Ngọc Dung còn quen mặt với khán giả với: Trở về yêu thương, Hồ sơ cá sấu. Đó là niềm vui, hạnh phúc khi cô được hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau, đem đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt.
Gắn bó với nghệ thuật, được đạo diễn phim truyền hình yêu mến nhưng cái duyên của Lương Ngọc Dung với nghệ thuật lại đến từ… lý do trượt đại học. Nữ diễn viên kể: “Xuất phát điểm của tôi là… trượt đại học. Lúc ấy, tôi vô tình bắt gặp thông báo tuyển sinh đào tạo diễn viên truyền hình của VFC. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đăng kí thi vào nếu đỗ thì coi như học chống cháy. Nhưng ai ngờ, càng học càng say. Thầy Hoàng Dũng, cô Lan Hương, thầy Quốc Trọng đã truyền ngọn lửa yêu nghề nhiệt huyết đến chúng tôi.
Ngay sau khi tốt nghiệp lớp diễn viên truyền hình khóa 2 ấy, tôi nhận được nhiều tình cảm của khán giả khi góp mặt trong phim “Chuyện cổ tích” của đạo diễn Trịnh Lê Phong và “Những người bạn” của đạo diễn Trần Quốc Trọng. Tuy nhiên, sau đó, tôi đỗ vào Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, chuyên ngành sư phạm mỹ thuật. Do đặc thù của trường nên tôi đành phải gác lại sự nghiệp phim ảnh“.
Sau đó, Lương Ngọc Dung tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật tại Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội. Cô từng làm giáo viên mỹ thuật tại một trường THCS. Tuy nhiên, Lương Ngọc Dung vẫn chọn làm diễn viên tại Nhà hát Tuổi trẻ. Ngoài đóng phim, diễn kịch, cô còn làm MC, biên tập viên.
Ngọc Dung tâm sự, cô vào nghề diễn đến nay là tròn 15 năm. Với phim truyền hình cô từng vài lần đảm nhận những vai diễn dài hơi, thế nhưng cô nhiều lần dừng lại, vì những lý do như đỗ đại học, lấy chồng, sinh con. Mỗi lần quay lại nghề Ngọc Dung lại bắt đầu với những vai quần chúng không thoại rồi dần dà thành quần chúng có thoại, rồi lên tới vai phụ được một vài phân đoạn.
Nói về sự đứt đoạn trong 15 năm với nghề, Lương Ngọc Dung trải lòng: “15 năm với bao lần đứt đoạn, phải quay trở lại vạch xuất phát nhưng tôi không nuối tiếc. Bởi lẽ nghề diễn phải học cả đời, phải có trải nghiệm sống với hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. Tôi luôn cảm ơn những khó khăn ấy đã giúp mình trưởng thành. 15 năm, tôi vẫn cặm cụi theo nghề, không phải để cầu thành danh, nổi tiếng mà đơn giản chỉ mong sống chết với nghề“.
Về cuộc sống riêng tư, Lương Ngọc Dung có một cuộc hôn nhân bên chồng là bộ đội và cô con gái đầu lòng. Nữ diễn viên cũng hạnh phúc khoe về chồng: “Chồng tôi là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà. Nhưng bù lại sự yêu thương, quan tâm và thấu hiểu anh dành cho tôi giống như Mậu và Nga trong phim vậy. Tôi và chồng luôn ở bên nhau, là bạn tri âm tri kỷ không cần phải nói cũng hiểu người kia nghĩ gì. Anh luôn bù đắp sự vắng mặt của mình bằng tất cả những gì có thể“.
Dù được chồng tâm lý quan tâm nhưng đời thực Lương Ngọc Dung vẫn là người quán xuyến gia đình như bà Nga trong phim. Chính vì vậy, cô cảm thấy đồng điệu với vai diễn của mình. Và nhờ đó, lối diễn xuất của Lương Ngọc Dung đã chinh phục được khán giả.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply