Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 12/2024 đạt 31.598 xe các loại, giảm 29% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2024, các đơn vị thành viên VAMA ghi nhận doanh số bán toàn thị trường đạt 340.142 xe các loại, tăng 12,6% so với năm 2023.
Bên cạnh VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực từ các thương hiệu lớn khác như VinFast và TC Group. Theo đó, VinFast công bố bàn giao hơn 20.000 xe trong tháng 12/2024, nâng tổng lượng xe đã bàn giao cả năm riêng tại Việt Nam lên trên 87.000 xe. Tập đoàn Thành Công (TC Group) cũng ghi nhận doanh số 8.316 xe Hyundai, nâng tổng doanh số cả năm lên 67.168 xe.
Theo đà này, dự báo thị trường ô tô Việt Nam năm 2025 sẽ tăng khoảng 12% so với năm 2024. Trong khi đó, xu hướng thị trường có lẽ vẫn là xe điện và xe hybrid khi ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên các dòng xe thân thiện với môi trường.
Theo BloombergNEF, xe điện sẽ chiếm khoảng 25% tổng doanh số ô tô toàn cầu vào năm 2025, tăng từ mức 14% năm 2023. Ở Việt Nam, dự kiến doanh số xe điện (EV) đạt khoảng 70.000 – 100.000 xe trong năm 2025, tăng gấp đôi so với năm 2024. Với xe Hybrid năm 2025, doanh số dự kiến đạt 50.000 – 80.000 xe (dự báo Toyota, Honda dẫn đầu).
Xu hướng xe Trung Quốc vốn nổi bật trong năm 2024 cũng được dự báo sẽ tiếp tục gây sốt năm 2025 ở thị trường Việt Nam. Nhiều thương hiệu quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc như BYD, GAC, Geely, đang mở rộng thị trường tại Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh đa dạng và mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Chuyên gia xe Khuất Thế Đạt nói: “Năm vừa qua, các hãng xe Trung Quốc đã vào Việt Nam một cách ồ ạt. Thị trường hiện nay có trên 10 thương hiệu khác nhau cùng hàng chục mẫu xe.
Các hãng xe đều mạnh dạn đưa các mẫu xe mới vào Việt Nam, không còn tâm lý chờ đợi và theo dõi thị trường như những năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy các hãng Trung Quốc coi Việt Nam là mảnh đất mới rất tiềm năng”.
Theo chuyên gia Khuất Thế Đạt, điều đáng tiếc nhất là năm 2024 vẫn vướng mắc nhiều vấn đề và chưa thực sự thúc đẩy phương tiện giao thông thân thiện môi trường.
Ông cho rằng việc chưa thúc đẩy thị trường xe xanh bứt phá có nhiều lý do, từ mức giá xe trung bình tại Việt Nam còn cao, người tiêu dùng chưa thật sự thuần thục với xe xanh, tâm lý e ngại sở hữu xe xanh, hạ tầng kinh doanh phân phối các dòng xe xanh chưa rộng khắp.
Tuy nhiên ông Đạt tin tưởng, năm 2025 sẽ chứng kiến sự chuyển mình thực sự mạnh mẽ của xe xanh, tạo sự đột phá với ngành công nghiệp ô tô.
Nguồn:Sưu tầm internet
Leave a Reply