Anh Trần Xuân Vinh (31 tuổi), người sở hữu kênh Youtube Vật Vờ Studio (2,3 triệu lượt follow) và Vinh Xô (301.000 follow), Tiktok hơn 400.000 lượt follow, Fanpage Facebook 561.000 follow được biết đến là một review các sản phẩm công nghệ lâu đời tại Việt Nam.
Theo anh Vinh, mặc dù kinh tế còn gặp nhiều biến động nhưng khối lượng công việc trong dịp cận Tết vẫn đều đặn, thậm chí có phần quá tải do tính chất công việc là review các sản phẩm công nghệ, mà các hãng sản xuất điện thoại, máy lạnh, phụ kiện thường sẽ tung sản phẩm trong thời điểm này.
Để bảo đảm được chất lượng công việc trong ngày cao điểm, Vinh Vật Vờ cho hay anh chỉ chọn lọc những sản phẩm đã được trải nghiệm chuyên sâu để giới thiệu người tiêu dùng một cách chân thật nhất, giúp họ thấu hiểu và giữ độ tin tưởng reviewer cũng như mặt hàng mà đối tác đang hợp tác.
“Thời gian bận nhất rơi vào khoảng từ tháng 9 đến Tết âm lịch, lúc đó là các hãng công nghệ sẽ ra mắt những sản phẩm mới và tôi phải dành thời gian trải nghiệm để review. Còn rảnh nhất của tôi thường rơi vào từ tháng 4 đến tháng 6, giai đoạn mà người dân sau Tết thường đi chùa chiền, thêm nữa là học sinh sinh viên nghỉ hè”- Chủ kênh Youtube Vật Vờ Studio chia sẻ.
Tương tự, KOL Ngô Đức Duy, chủ kênh Tiktok Ngô Đức Duy (7,2 triệu lượt follow), kênh Youtube Duy Thẩm (2,04 triệu lượt follow) cho hay các đơn hàng review sản phẩm công nghệ cuối năm vẫn đều vì người tiêu dùng vào dịp Tết thường sẵn sàng chi tiền để đổi các sản phẩm mới, chẳng hạn những hãng điện thoại phải ra mắt giới thiệu các mẫu mới.
Tuy nhiên, về thù lao có đôi phần giảm nhẹ do chi phí marketing của các công ty bị cắt giảm.
“Dịp Tết là thời điểm vàng mà các hãng điện thoại cho ra các sản phẩm mới và thông thường họ sẽ có sự hợp tác lâu dài với chúng tôi. Do đó, hằng năm công việc đều sẽ ổn định như vậy, chỉ có thể tăng thêm chứ khó thể giảm đi”- ông Duy nói.
Theo anh Phạm Tuấn Ngọc, chủ kênh Tiktok Tuấn Ngọc đây! (2,8 triệu lượt follow), cuối năm hoạt động của anh chủ yếu là livestream bán hàng trên Tiktokshop và thù lao sẽ tính theo hoa hồng trên doanh thu bán hàng trong phiên livestream.
“Các hợp đồng review sản phẩm công nghệ dịp cận Tết có đều nhưng livestream bán hàng trên Tiktok có phần nhỉnh hơn. Năm nay tuy khó khăn nhưng đó cũng là cơ hội để tôi có thể hợp tác với các hãng như Marshall, JBL”- ông Tuấn Ngọc chia sẻ.
Doanh thu dịp Tết giảm 50% nhưng một Tiktoker khác là KOL cho một thương hiệu lốp, dầu nhớt chia sẻ rằng nhờ công việc giảm, Tiktoker này đã có thêm thời gian kinh doanh mì cay, túi xách, vali và đang hoạt động rất tốt tại TP HCM.
Chi tiền tỉ để thuê KOL livestream
Theo dữ liệu từ Influencer Marketing Hub, KOL livestream tại Việt Nam được phân loại thành 5 cấp. Thấp nhất là Nano KOL (1.000 – 10.000 người theo dõi); kế đến là Micro KOL (10.000 – 50.000 người theo dõi); KOL tầm trung (50.000 – 500.000 người theo dõi); Macro KOL (500.000 – 1 triệu người theo dõi); cao nhất là Mega KOL (từ 1 triệu người theo dõi trở lên).
Theo đó, chi phí thuê KOL livestream trên Facebook, thời gian theo thỏa thuận với Nano dao động 610.000 đồng đến 6,1 triệu đồng/lần live; Micro từ 6,1 – 30,5 triệu đồng/lần; tầm trung 30,5 – 350 triệu đồng/lần live; Macro từ 350 – 611 triệu đồng/live. Cuối cùng là Mega từ 611 triệu đồng trở lên.
Đối với nền tảng TikTok, giá thuê rẻ hơn nhiều, như Nano KOL từ 122.000 – 611.000 đồng/lần live; Micro từ 611.000 đồng đến 3 triệu đồng/lần; tầm trung 3 – 30,5 triệu đồng/lần; Macro từ 30,5 – 61 triệu đồng/lần. Mega từ 61 triệu đồng trở lên.
Nguồn:Sưu tầm internet
Leave a Reply